Một khi bạn đã dự trù kinh phí xây dựng công trình phù hợp với lại số tiền bạn đang hiện có thì bước tiếp theo chinh là làm việc với một đơn vị thiết kế kiến trúc uy tín để thảo luận về nhu cầu xây dựng của gia đình
1. Nói chuyện với các đơn vị thiết kế kiến trúc
– Trước hết, bạn cần hiểu được những nhu cầu cơ bản của gia đình về ngôi nhà mới như: số lượng phòng, diện tích và vị trí của phòng, phong cách và vật dụng trang trí nội thất sẽ sử dụng, không gian dự trữ, phòng thờ, nhà xe, vườn nhỏ, sân phơi, bồn chứa nước….
– Lưu ý về những thay đổi trong tương lai, ví dụ như đám cưới và gia đình sẽ có thêm người,v.v..
– Nên tham khảo tất cả các thành viên trong gia đình trước khi thông qua những kế hoạch lần cuối.
– Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên tất cả thông tin được đề cập ở trên
Sau khi đã có đủ thông tin trên, giờ là lúc bạn phải tiến hành làm việc với kiến trúc sư (KTS).
– Mô tả chi tiết nhu cầu của bạn và gia đình.
– Trình bày với KTS về ý tưởng thẩm mỹ của bạn và gia đình nếu có.
– Trình bày rõ những băn khoăn hay thắc mắc của bạn liên quan đến việc đó.
– Nếu có sở thích hay điều tối kỵ nào liên quan đến căn nhà ( chẳng hạn vấn đề phong thuỷ như: hướng nhà, hướng đất, cách bố trí phòng bếp, phòng ngủ, phòng thờ cúng v.v..) bạn cũng nên thảo luận cùng KTS ở bước này.
– Sau khi trình bày ý kiến của bạn, nên lắng nghe lời khuyên của KTS nếu yêu cầu đó không phù hợp yêu cầu mỹ thuật và độ an toàn.
– Nên tìm hiểu qua những thuật ngữ xây dựng và hạn chế van thiệp vào phần xử lý chuyên môn khi KTS đưa ra phương án.
2. Một số bản vẽ thường sử dụng cho xây dựng nhà ở
Một bộ hồ sơ bản vẽ đầy đủ bao giờ cũng giúp cho việc thi công hoàn thiện công trình trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xin đưa ra một số bản vẽ chủ yếu để các bạn tham khảo:
a. Phần phối cảnh minh hoạ: bao gồm phối cảnh công trình nhìn từ chính diện, các phối cảnh góc minh hoạ, phối cảnh nội thất bên trong nhà của phòng khách, phòng ăn, bếp, các phòng ngủ, khu phụ, tiểu cảnh một số điểm nhấn trang trí đặc biệt, phối cảnh nội thất sân vườn (nếu có)… Phần phối cảnh này giúp cho chủ nhà dễ dàng hình dung về không gian thực tế sau khi ngôi nhà được xây dựng, và có những tiên liệu chính xác về cách bài trí đồ đạc, sử dụng vật liệu, bố trí ánh sáng, chọn màu sơn.v.v..
b. Phần bản vẽ kỹ thuật bao gồm 03 bộ hồ sơ chính như sau:
– Hồ sơ xin phép xây dựng: bao gồm các bản vẽ chính là bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt cắt, mặt đứng,bản vẽ móng, sơ đồ cấp điện nước và thoát nước.
– Hồ sơ thiết kế sơ bộ: bao gồm các mặt bằng triển khai chi tiết, các mặt đứng, mặt cắt, và một số bản vẽ phối cảnh.
– Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công: đây là bộ hồ sơ sau cùng, hoàn chỉnh nhất, làm căn cứ chủ yếu để tiến hành thi công công trình. Hồ sơ bao gồm các phần:
+ Toàn bộ các bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt bằng mái, mặt bằng trần, mặt bằng lát sàn từng tầng.
+ Toàn bộ các bản vẽ mặt cắt qua nhà ( ít nhất 02 mặt cắt), các mặt đứng của nhà.
+ Các bản vẽ triển khai cấu tạo trong nhà ( cấu tạo thang, cửa, chi tiết trang trí, các khu vệ sinh, ban công…)
+ Các bản vẽ kỹ thuật điện, cấp thoát nước, điện thoại, chống sét, máy điều hoà..
+ Các bản vẽ tính toán kết cấu móng, cột, dầm, sàn, lanh tô…
Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công này càng chi tiết bao nhiêu thì càng ít xảy ra xung đột với nhà thầu sau này.
3. Tiến hành lập hồ sơ xin phép xây dựng
Phần thủ tục xin phép xây dựng tại các thành phố trong nước tương đối đơn giản. Chưa kể một số địa phương không cần giấy phép xây dựng thì bạn có thể yêu cầu thi công luôn. Đối với các thành phố yêu cầu giấy phép xây dựng thì bạn nên yêu cầu bên thiết kế kiến trúc lập hồ sơ xin phép xây dựng cho bạn đúng với quy định hiện hành và quy hoạch từng khu vực. Sau khoảng 3 tuần, nếu không vi phạm quy định gì thì bạn sẽ được cấp giấy phép xây dựng.
Không bao giờ hồ sơ kiến trúc và khai triển có thể khớp hoàn toàn 100% do đó, để đảm bảo cho những chi tiết của thiết kế mà bạn và KTS đã thống nhất, bạn có thể sử dụng những hình vẽ minh hoạ, hình vẽ 3D để ràng buộc trong hợp đồng với nhà thầu thi công về sau.