Nhà chóp nón: Là cái tên mà kiến trúc sư Nguyễn Khắc Phước đặt riêng cho căn hộ này. Lấy cảm hứng từ nét kiến trúc đặc trưng của vùng quê Việt Nam, kết hợp với vật liệu và phong cách hiện đại. Căn hộ vẫn giữ được những nét mộc mạc truyền thống hòa quyện thiên nhiên kèm theo nó là những tiện nghi hiện đại để phục vụ cuộc sống
- Tên dự án: Nhà chóp nón
- Đơn vị thực hiên: Nguyen Khac Phuoc Architects
- Kiến trúc sư phụ trách: Nguyễn Khắc Phước
- Nhóm thiết kế: Trần Duy Hân, Diệp Xuân Minh, Nguyễn Thúy Bình
- Địa điểm: TT Đô Lương, Nghệ An, Việt Nam
- Kích thước khu đất : 8x20m
- Năm hoàn thành: 2021
- Hình ảnh: Triệu Chiến
Ý tưởng thực hiện căn hộ này đến từ một lần KST dạo phố: “Đang đi trên một con phố hiện đại, bỗng thấy như hẫng đi, bỗng như giật mình khi bắt gặp một mái nhà, một mái đình hay một cái cổng làng cổ kính bên đường. Những “cổ tích” ấy như những nốt lặng ai bỏ quên trong cái bản “tân nhạc” đương ồn ào xô bồ của phố phường thời hiện đại.”
Căn hộ nằm tại 1 khu đô thị mới của thị trấn nhỏ tại Nghệ An. Dưới tác động của công nghiệp hóa, đô thị hóa, cũng như những miền nông thôn khác, nơi đây trở thành sân sau của đô thị. Kinh tế ngày càng phát triển nhưng lại kéo theo sự mất đi nét đẹp của kiến trúc và lối sống thuần Việt. “Nhà chóp nón” là 1 giải pháp ứng xử trong bối cảnh như vậy nhằm tìm lại, lưu giữ và phát huy những giá trị bản sắc của kiến trúc truyền thống.
“Trong những năm gần đây, nông thôn đang bị mối đe dọa lớn của cuộc “xâm lăng” đô thị hóa. Tình trạng phổ biến ở nhiều nơi của vùng quê, cánh đồng mọc lên nhà xưởng, ngôi nhà nhỏ nhắn nương nép hòa mình vào thiên nhiên dần biến mất mà thay vào đó nhà cao tầng kiến trúc tự phát, màu sắc, kiểu dáng xa lạ.”
Ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất chia lô điển hình với kích thước 8x20m. Ý tưởng của ngôi nhà hình thành đơn giản với cấu trúc của mái vát lớn bao phủ như chiếc nón, che chở nắng mưa cho cuộc sống bình yên của gia đình nhỏ. Đâu đó gợi nhớ hình ảnh về không gian cổng làng, cây đa hay mái đình Việt…
Cấu trúc mặt bằng được bố trí hình chữ L gồm 1 khoảng sân lớn trước và 1 khoảng hiên dài bên hông tạo thành các khu vườn và khoảng trời “TRONG” cho ngôi nhà. Đó là những không gian đặc trưng trong cấu trúc nhà Việt truyền thống.
Một cây lớn phủ bóng được bố trí ở khoảng sân trước làm điểm nhấn chính tạo nên sự bình yên khi bước vào cổng nhà. Tại chốn này cả gia đình có thể dùng bữa cơm ngoài sân dưới bóng cây, hay những câu chuyện rôm rả với hàng xóm nhâm nhi bên ấm trà xanh.. Phần mái sân trước là nơi được gia đình trồng rau và chăm sóc những khu vườn nhỏ những lúc thảnh thơi, hưởng thụ cuộc sống bình yên và ý nghĩa..
Khối cao 2 tầng hoặc cũng có thể gọi là tầng 2 được bố trí lùi phía sau, nhằm tạo không gian thoáng cho mặt trước và tăng tính tương tác ứng xử trong đô thị khi mà các lô đất mọc lên các ngôi nhà ống cao tầng với “không khoảng trống.
Từ trong phòng khách nhìn ra phía cổng, bên tay trái sẽ là hiên nhà với hàng loạt cây xanh. Phía tường của căn hộ bên cạnh sẽ được gia chủ “nương nhờ” để ép gạch mộc. Cái này chính là đôi bên cùng có lợi.
Cầu thang gỗ hình xoắn ốc được bố trí không tựa tường. Ý tưởng này sẽ khiến chiếc cầu thang như lạc giữa căn hộ. Toàn bộ không gian đều mở không bị gò bó
Khu vườn ra trên tầng 2 là nơi “Tăng gia sản xuất” của chủ nhà, nó cũng là nơi giúp trẻ em có được cảm nhận của không gian vùng quê thực chất là như thế nào.
Bộ bàn ghế phòng ăn được thiết kế tiếp giáp với phòng khách bằng thiết kế mở. Ghế sofa, và bàn ăn được sử dụng cùng tông màu nâu gỗ, một màu sắc đặc trưng của kiến trúc Việt Nam.